Sunday, November 13, 2011

Chả mực bánh cuốn - Halong bay Vietnam




Trải dài khắp dải bờ biển Việt Nam nơi nào cũng có mực, nhưng mực Hạ Long nổi tiếng là ngon.

Thành phố Hạ Long - Halong bay Vietnam có dãy phố chuyên làm chả mực bánh cuốn ở cạnh rạp Bạch Đằng đã trở nên quen thuộc, nhiều người gọi là phố “Chả mực bánh cuốn”..

Biển Quảng Ninh có nhiều loại mực: mực nang, mực ống, mực sim. Mực ống thường phơi khô đem nướng ăn. Còn mực sim, mực nang thì xào. Đặc biệt mực nang còn dùng làm chả mực rất ngon.

Cách chế biến chả mực đòi hỏi sự khéo tay và kinh nghiệm. Từ việc lựa con mực đến việc “giải phẫu” bỏ phần ruột và bọng mực, lớp da bên ngoài cho đến việc nêm gia vị, cách giã, cách rán. Chả mực khi mới rán xong có màu vàng ruộm, mùi thơm nức, vị đậm đà ăn với bánh cuốn hoặc xôi trắng, hạt xôi khô nhưng mềm, thơm hương nếp mới quyện với mùi chả vừa béo vừa ngọt rất ngon.


Miếng chả mực giòn, ngọt lừ hương vị hải sản trong miếng bánh cuốn thịt đậm đà được làm dịu đi bằng cái ngọt chua của nước chấm pha khéo. Bánh cuốn chả mực cần pha nước chấm cay hơn một chút để món ăn không tanh. Ăn hết cả đĩa vẫn thấy thòm thèm, người ta tò mò hỏi không biết vì sao các quán ăn ở phố Bạch Đằng, Hạ Long sáng tạo ra món ăn lạ kì đến vậy!

Bánh cuốn chả mực làm buổi sáng ở Hạ Long thêm ấm áp, dù ngoài khơi đang có gió mùa. Không chỉ ngon cơm ngày mưa với chả mực chiên chấm nước mắm tiêu, xôi trắng chả mực, bánh cuốn chả mực cũng góp phần thêm vào diện mạo phong phú của ẩm thực Hạ Long - Halong bay Vietnam, làm lưu luyến những ai đã có lòng yêu đất và người xứ biển.

Bún xào ngán - halong bay vietnam


Đến Quảng Ninh - Halong bay Vietnam thì phải thưởng thức ngán và rượu ngán. Đã đến đây mà chưa biết đến món ngán này thì cũng như chưa đến.
Thoạt trông, món bún ngán xào nhìn không được bắt mắt, bởi bún trắng trộn với ngán đen, lại có thêm mộc nhĩ, nấm hương và hành lá cũng đều là thứ xanh, đen cả. Hơn nữa, nếu chưa quen ăn ngán thì khó thích món này vì nó nồng, một mùi vị nồng rất đặc trưng của ngán. Nhưng khi đã yêu thích bún ngán xào nó có thể gây nghiện và mới vỡ lẽ ra rằng đĩa thức ăn trông không được bắt mắt kia lại làm cho ta nhận ra được ngay thứ mà ta yêu thích, bởi nó tạo ra một khoảng riêng trên mâm tiệc, không lẫn với bất cứ món ăn nào.


Bún dùng kéo cắt ngắn độ 5cm, gỡ tơi, để sẵn trong một cái đĩa to sâu lòng hay trong cái chảo, cái xoong cũng được. Ngán dùng dao bổ tách vỏ, hứng lấy nước trong mình ngán vào bát to, gạt thịt ngán luôn vào đó. Tuỳ vào lượng ngán mà cần nhiều bún hay ít. Thường thì nửa cân bún cần khoảng 3 lạng ngán, nhiều thì tới 5 lạng. Thịt ngán lấy đủ vào bát, dùng tay mân mê, đẩy sạch bùn cặn vớt ra cho lên thớt, thái nhỏ. Nước ngán trong bát để lắng cặn, gạn sang một cái bát khác, để riêng. Mộc nhĩ, nấm hương ngâm rửa sạch, thái chỉ, nhỏ. Hành hoa cắt khúc dài khoảng một đốt ngón tay… Sau đó đổ thịt ngán vào bún, cho vừa bột canh, mỳ chính, trộn đều. Bắc chảo lên bếp, để dầu hoặc mỡ nóng già, cho hành hoa vào phi thơm thì đổ bún ngán đã trộn vào xào. Ngán, bún chín chừng bảy lẻ đổ tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào lẫn. Tiếp tục xào cho tới gần chín thì rưới một ít nước mình ngán ở cái bát để riêng kia vào, đảo đều chờ tới khi mọi thứ chín hẳn (thứ nước ở mình ngán có thể cho hoặc không cho vào, nếu người ăn thích hoặc không thích tăng vị thơm nồng của ngán. Cũng giống như khi rửa ngán, người ta không rửa nước lã, phải rửa ngay trong nước ở mình nó, để ngán không bị nhạt, bị tanh, là vậy). Bắc ra rắc hạt tiêu, ăn nóng.

Cùng một cách làm để chế biến như món bún ngán xào, người ta còn có thể thay bún bằng miến để làm món miến ngán hấp. Cũng có vị ngon riêng…

Theo dulichhalong